Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Văn minh Việt Nam hoàn toàn khác văn minh Trung Hoa - P2

Từ cuối thế kỷ 14, ta thấy phát triển loại men, loại hoa văn vô cùng độc đáo, rất cao cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Ðó là thời kỳ tột đỉnh của đồ gốm Việt Nam, loại đồ gốm ngày nay được biết dưới tên “Ðồ gốm Chu Ðậu”. Tiếc thay, nền kỹ thuật và mỹ thuật này đã tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, sau những trận chiến dữ dội thời Lê Mạc.

Ðồ gốm Chu Ðậu chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy biển suốt mấy trăm năm. Những món còn được lưu giữ ở các viện bảo tàng bên Châu Âu thì đã từng bị xếp lộn vào đồ gốm Trung Hoa. Gốm Chu Ðậu chỉ được biết đến và tìm hiểu từ khi ông Makato Anabuki (thuộc tòa đại sứ Nhật Bản ở Hà Nội) nhìn thấy một bình cao cổ men trắng xanh, hoa văn cánh sen và hoa mẫu đơn, với câu “Thái Hoà bát niên. Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút” (nghĩa là: ở phủ Nam Sách, năm Thái Hòa thứ tám, bà họa sĩ họ Bùi vẽ chơi), ở viện bảo tàng Topkapi Saray Museum (Istanbul, Turkey). 



Ðịa danh Nam Sách Châu cho ta biết nơi chế tạo (phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương), và chữ Thái Hòa bát niên cho ta biết năm chế tạo (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông). Từ đây những nhà khảo cổ mới hướng về phủ Nam Sách, rồi năm 1983 ở làng Chu Ðậu, dưới vườn nhà một nông dân là ông Vang, người ta đào được các di tích lò gốm. Việc tìm kiếm, khai quật bắt đầu. Người ta tìm thấy cả một nền đồ gốm rực rỡ, thịnh vượng kéo dài 3, 4 thế kỷ. Những khai quật này đưa đến trung tâm của nền nghệ thuật này: Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ở đây, ngoài làng Chu Ðậu, còn có các lò gốm khác ở làng Vạn Yên, làng Gốm, làng Ngói, làng Phú Ðiền, làng Phúc Lão, làng Cậy…. Ðồ gốm Chu Ðậu được phát hiện nhiều trong các ngôi mộ cổ, đình chùa, từ đường, và nhiều nhất là dưới các tàu buôn chìm ngoài khơi Hội An, Ðà Nẵng… Từ đây người ta ít gọi các món đồ này là đồ men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu chàm – màu xanh lơ) mà gọi bằng tên đồ gốm Chu Ðậu, bởi đây là nơi di tích các lò gốm cổ sản xuất loại đồ gốm này được khám phá ra trước nhất. Những khai quật trong năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1992 và 1993, cho thấy đồ gốm Chu Ðậu được sản xuất ở rất nhiều nơi gần bờ sông trong tỉnh Hải Dương, tập trung nhiều nhất ở phủ Nam Sách. Công lớn về những khám phá này là của ông Tăng Bá Hoành, giám đốc viện bảo tàng Hải Dương, người đã nghiên cứu, gìn giữ và viết rất kỹ lưỡng về đồ gốm Chu Ðậu tìm được trong các cuộc khai quật này. 



Ðồ gốm Chu Ðậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn đầy hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam. Ðồ gốm Chu Ðậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16 rồi tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, trong khi các lò gốm khác ở Hải Dương còn sản xuất những món đồ không men (nồi đất, chum, vại…) cho đến thế kỷ 18, hay cho mãi đến bây giờ như làng Cậy, làng Lâm Xuyên (chuyên làm nồi đất không men).


Làng Chu Ðậu từ lâu nổi tiếng về nghề dệt chiếu. Trước đây, ở ngoài Bắc, khi trong nhà có người lấy vợ, người khá tiền thường mua một vài cặp “chiếu Ðậu” để cho cô dâu chú rể dùng. Dân làng bây giờ chỉ còn biết làm ruộng và dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm những món đồ gốm tinh xảo, tuyệt mỹ. Các lò gốm ngày xưa nay đã nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược. Một địa danh trong làng là “Ðống Lò”, nhưng dân làng không biết là lò gì. Từ đầu thế kỷ 17, nghề làm đồ gốm ở đây tự nhiên mất tích, không còn lò gốm, không còn người làm đồ gốm. Dấu vết chìm sâu dưới lòng đất, biến hẳn trong ký ức dân làng!



Bao quanh bởi nhiều con sông lớn, người dân làng Chu Ðậu có những phương tiện giao thông tiện lợi. Họ có thể chuyển đồ lên Thăng Long, ra Phố Hiến, Vân Ðồn để bán trong nước, để xuất cảng ra nước ngoài. Họ có thể chuyên chở đất sét mịn mua từ Hố Lao (Ðông Triều, Quảng Yên) chỉ cách đó 30km một cách nhanh chóng, dễ dàng. Thành công về thương mãi, họ có cơ hội, có phương tiện, có động cơ phát huy nghệ thuật và kỹ thuật rất cao. Tiếc thay, thời cuộc đã hủy diệt mất một nền kỹ thuật và mỹ thuật giá trị của dân ta. 

Văn minh Việt Nam hoàn toàn khác văn minh Trung Hoa - P1

Chúng ta đã biết lịch sử đồ gốm Việt Nam đã bắt đầu từ những món đồ bằng đất sét trộn bột vỏ sò không tráng men, dùng khuôn bằng giỏ đan, màu nâu đậm hay nâu nhạt từ gần mười hai ngàn năm trước đây (từ khoảng 9390 BC), qua những vật tích tìm được ở Hoà Bình, ở Bắc Sơn, ở Quảng Yên, ở Thanh Hoá. Những vật tích này là dấu vết còn sót lại của nền văn hóa Bắc Sơn đã cho ta thấy, ông cha ta không phải là những người đi từ miền Nam Trung Hoa xuống và cũng không có liên hệ văn hóa hay chủng tộc với người Trung Hoa cả. Vào cùng thời kỳ này, nước Trung Hoa chưa hiện hữu và văn minh cổ đại của Trung Hoa chưa xuất hiện. Ta cũng suy rằng, vào thời kỳ đó, ở lục địa Trung Hoa chắc cũng có rất nhiều sắc dân, nhiều nền văn hóa biệt lập mà sau này đã tàn lụi từ khoảng năm 4500 BC khi Phục Hy, Thần Nông làm vua ở vùng đất Tây Bắc Trung Hoa. 


Nhận ra điều này, chúng ta không nên nhắc lại các điều sai lầm rằng dân Việt ta vốn ở vùng Hoa Nam rồi bị người Tàu xua dần về vùng Bắc Việt bây giờ, hay dân Việt ta vốn có liên hệ với nước Việt của Câu Tiễn [1] , hay văn hóa Việt vốn bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Ta thấy rõ rằng truyền thuyết nguồn gốc dân tộc ta từ: “Ðế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ….” chỉ là câu chuyện tạo nên do thói quen của các nhà Nho thuở trước, cho rằng nếu mình không có liên hệ với các vua cổ đại Trung Hoa thì không được chính thống. Họ đâu biết rằng ông cha ta đã sinh sống ở vùng miền Bắc Việt Nam trước Thần Nông bốn ngàn năm rồi. 15 bộ của các vua Hùng nằm trong địa hạn Bắc Việt hiện nay (từ Lạng Sơn, Cao Bằng xuống Quảng Bình), hoàn toàn trong phạm vi thung lũng các sông Hồng, sông Mã, sông Ðà, Sông Cả mà không hề có phần đất nào trong vùng Nam Trung Hoa cả. 

Truyền kỳ “Con Rồng cháu Tiên” là truyền kỳ cao đẹp hun đúc tinh thần Việt Nam suốt mấy ngàn năm nay, và càng nên được duy trì, phổ biến. Tuy nhiên khi nhìn về lịch sử, ta phải nên nhìn xa hơn về thời gian và gần hơn về không gian.

Trong suốt thời Xuân Thu, Chiến Quốc, ông cha ta vẫn sống độc lập, vẫn phát triển nền văn minh Việt Nam hoàn toàn khác văn minh Trung Hoa (tiếng nói, văn phạm ta hoàn toàn khác, ta xâm mình, ăn trầu, đúc trống đồng, trong khi người Tàu không hề có các tục đó). Sau này, từ khi Triệu Ðà (người Tàu) chiếm nước ta để nhập vào vùng Hoa Nam lập ra nước Nam Việt và “đem chính trị, pháp luật nước Tàu sang cai trị” (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim) qua đến thời Hán thuộc, kẻ cai trị là người Tàu đẩy mạnh việc mang phong tục, văn hoá Trung Hoa sang để đồng hóa ông cha ta, mà cuối cùng cũng vẫn thất bại, vì ông cha ta chỉ học lấy một số điều lợi ích cho đời sống mà vẫn duy trì bản sắc riêng. Phần đất Hoa Nam của Triệu Ðà người Tàu lấy lại. Nước Việt ta vẫn ở vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt bây giờ.


Trong phạm vi đồ gốm – nét văn minh sơ khởi nhất của con người, bởi vì không có đồ gốm để nấu nướng, cất giữ, ăn uống thì nền văn minh không hình thành – ông cha ta tiếp tục phát huy, học hỏi và ứng dụng kinh nghiệm vào việc chế tạo đồ gốm, tạo nên các nền văn hoá Phùng Nguyên (2000 BC), văn hoá Ðông Sơn (500 BC). Dù di tích còn rất ít, nhưng đồ gốm Việt Nam trong thời này đã cho thấy sắc thái của một nền văn hóa cá biệt. Trong những thế kỷ sau đó, đồ gốm Việt Nam đạt được mức phát triển rất cao, đã xuất cảng sang Ả Rập, Phi Luật Tân, Nam Dương… Vào thế kỷ thứ 9, khách thương Ả Rập Ibn Khurdadhbih đã từng viết về cuộc du hành của ông ghé qua Long Biên trước khi đến Quảng Châu. 



Sang thế kỷ thứ 10, dưới thời Thập Nhị Sứ Quân, đồ gốm với nước men trong, dày, khá đều, với hoa văn chim hạc, cọp, voi, hoa sen, hoa cúc… đã xuất hiện nhiều. Người thợ Việt Nam đã biết cách làm các đường rạn thưa hay dày theo ý muốn. Rồi từ đời Lý (đầu thế kỷ 11) đồ gốm Việt Nam phát triển một cách huy hoàng. Nhiều loại men (các loại Lý Nâu, Lý Ðen, Lý Trắng, Lý Lục, men ngọc), nhiều hoa văn, nhiều thể loại tràn lan khắp nơi, từ chốn triều đình, chùa, miếu đến thôn dã trong suốt từ thế kỷ 11 đến hết thế kỷ 16 (đời Hậu Lê).